Chiều 2/12, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan trong việc để tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines vi phạm quy định cách ly, làm lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, “việc này rất nghiêm trọng, tác động đến cộng đồng gây ảnh hưởng đến thành quả chống dịch của cả đất nước trong suốt thời gian vừa qua”.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, việc này phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Về mặt hành chính, các cơ quan liên quan cũng sẽ làm và thông báo công khai. Còn trước hết, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với cá nhân vi phạm.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, các quy định về quản lý, phòng chống dịch COVID-19 đã được Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế nêu rất rõ ràng, chặt chẽ. Việc lập khu cách ly ở đầu mối các địa phương đã được chấp thuận nhưng phải gắn với trách nhiệm kiểm tra, giám sát.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ rõ, trong vụ việc này trách nhiệm đầu tiên là của cá nhân chưa tuân thủ quy định về cách ly, bên cạnh đó có yếu tố chủ quan khi xét nghiệm cho kết quả âm tính 2 lần.
Tiếp theo là trách nhiệm của cơ quan chủ quản, mà ở đây là hãng hàng không Vietnam Airlines – đơn vị quản lý tiếp viên trên. Hiện tại, Vietnam Airlines đã có hành động ban đầu là đình chỉ cơ sở cách ly và tiếp viên. Hãng hàng không quốc gia cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xử lý tất cả các cá nhân, tổ chức căn cứ trên mức độ sai phạm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp vận tải, hãng hàng không, tổ lái, tiếp viên hàng không – những đối tượng có khả năng lây nhiễm cao – tuân thủ chặt chẽ các quy định về cách ly và kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, đây vẫn phải là trách nhiệm, ý thức tuân thủ của chính cá nhân thực hiện. Về phía cơ quan quản lý, sau vụ việc này, cần giám sát, kiểm soát tốt hơn.
Trả lời thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, theo báo cáo mới nhất lúc 18h ngày 2/12, các cơ quan đã xác định được tổng số F1 là 800 người (trong đó có 211 F1 tiếp xúc dưới 2m, 598 người tiếp xúc trên 2m); F2 là 778 người. Hiện nay, các cơ quan đang tiếp tục điều tra mở rộng.
“Ngành y tế đã làm xét nghiệm và có kết quả 737/800 người F1, ngoài 4 ca dương tính như chúng ta đã thông báo (bệnh nhân 1342, 1347, 1348, 1349) thì tổng số 737 người này đang âm tính, số còn lại đang chờ. Hiện nay đang tiếp tục mở rộng thêm 1.392 mẫu nữa. Tổng số lấy mẫu hiện nay là 2.233 mẫu và tổng số đã xét nghiệm là 1.051, hiện nay đang chờ kết quả 1.182 mẫu. Tin vui là cập nhật đến giờ không có ca mắc mới trong cộng đồng”, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Về khả năng kiểm soát dịch, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết từ kinh nghiệm quý báu đã tích lũy được từ hai đợt dịch vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành đưa ra các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, trên tinh thần khẩn trương điều tra truy vết, cách ly tất cả các đối tượng F1, F2 và không để lây nhiễm sang chu kỳ thứ 3.
“Theo tính toán của Bộ Y tế, từ 30/11 đến nay mới có 2 chu kỳ. Nếu chúng ta chậm nữa sẽ sang chu kỳ thứ 3, nhưng chúng ta quyết tâm không để sang chu kỳ này”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường khẳng định.
Về việc TP.HCM đề xuất giãn cách, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hôm nay lãnh đạo Bộ đã họp với Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo những khu vực nào có nguy cơ cao sẽ xem xét giãn cách, còn lại vẫn hoạt động bình thường. Mọi hoạt động vẫn trên tinh thần không nên hoang mang nhưng cũng không chủ quan lơ là để thực hiện mục tiêu kép.